Sau việc NXB Văn hoá -Thông tin vừa ra mắt bản dịch “Mật mã Da Vinci” do dịch giả Dương Tường hiệu đính khắc phục được những lỗi cơ bản của bản dịch trước, phần chú thích được biên soạn rất chi tiết và người đọc lại hồ hởi đón nhận “ấn phẩm mới”, nhưng độc giả vẫn chưa hết lo ngại. Liệu những “Thảm họa dịch thuật” (chữ của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng)như vậy có tiếp tục xảy ra và độc giả vẫn phải tiếp tục hứng chịu?

Nhiều cuốn dịch ẩu “phải biết”

Câu trả lời là “có xảy ra”: Cuốn sách dịch “Ma sói” của tác giả Alexandre Dumas đang bày bán tại các nhà sách vừa bị một tờ báo lật tẩy vì “đầm đìa” lỗi sai, có nhưng lỗi khiến người đọc thấy ngượng ngùng. Cùng với việc bản dịch cuốn Mật mã Da Vinci trước đó nhận được những phản ứng gay gắt từ độc giả và giới dịch thuật vì chất lượng bản dịch quá kém, quy trình làm sách “cực ẩu” của một số NXB đã bị lật tẩy.

dich thuat sai giet chet tac pham

Và người ta suy rộng ra, đã có nhiều cuốn dịch ẩu “phải biết”, chẳng qua vì sách không tên tuổi nên chẳng ai buồn lên tiếng. Buồn hơn vì mặc dù bị chỉ trích khá nặng nề cùng với nhiều lời cảnh báo của báo giới và các nhà chuyên môn, một số đầu sách dịch ở các NXB vẫn lần lượt “ra lò”, cố tình dẫm lên “vết xe đổ”…

Tất nhiên không phải tất cả các NXB làm ăn tắc trách và đầu sách nào cũng rơi vào quy trình như Mật mã Da Vinci, nhưng có thể hình dung con đường của một cuốn sách nước ngoài được một số NXB “làm ăn” như sau: Sau khi thương lượng mua bản quyền tác phẩm hoặc được tác giả đồng ý “cho không, biếu không”, NXB giao cho bộ phận biên tập liên hệ người dịch để tổ chức dịch và in ấn. Khâu dịch thuật đáng ra phải được coi trọng nhất nhưng bị biến thành một “trò chơi” đơn giản nhất: một “mối” quen biết của NXB nhận về dịch. Người nhận làm nhiệm vụ “môi giới”, chia sách thành nhiều phần và thuê các sinh viên ngoại ngữ dịch.

Đáng ra, theo quy định, giá một trang dịch phải trả cho các dịch giả tên tuổi thường ở mức 50.000 đồng/trang nhưng chỉ chi chưa đầy 1/5 số tiền ấy cho sinh viên. Một cuốn sách khoa học kỹ thuật có thể chấp nhận được kiểu dịch “chia năm sẻ bẩy” nhưng liệu một tác phẩm văn học khi nhiều người chuyển ngữ liệu có còn thống nhất một văn phong? Đó là chưa kể cách xưng hô không thống nhất, cách dùng từ để chỉ cùng một sự vật hiện tượng không giống nhau giữa các người dịch… Không nói thì ai cũng biết, hậu quả của những bản dịch đó ra sao. Mật mã Da Vinci chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” về thực trạng dịch thuật “tùm lum” vẫn tồn tại ở nước ta nhiều năm nay.

dich thuat sai giet chet tac pham

Cùng với việc chất lượng bản thảo bản dịch yếu, trình độ và tâm huyết với nghề của đội ngũ BTV của một số NXB thật sự đáng báo động. Chưa nói đến trình độ văn chương để thẩm định các bản dịch, kiến thức ngoại ngữ của không ít BTV hiện nay ở mức… dưới trung bình.

Những biên tập viên văn học dịch nhưng… yếu ngoại ngữ

NXB càng có tên tuổi, càng có bề dày hoạt động thì BTV càng… yếu về ngoại ngữ. Phần nhiều trong số họ xuất thân từ “dân” văn chương, lúc học đại học Văn, vốn ngoại ngữ… “thường thường bậc trung”, ra trường vài năm, rơi rụng hết kiến thức của bằng B, bằng C tiếng Anh, huống gì hàng chục năm trời không được bồi đắp và tích lũy vốn từ. Một BTV NXB thú thực, bây giờ kiểm tra lại trình độ ngoại ngữ, có lẽ… bằng A chị cũng không qua nổi. Vậy nhưng chị vẫn phải biên tập các tác phẩm, thậm chí là những kiệt tác văn học của nước ngoài.

Có thể không đạt trình độ ngoại ngữ như người dịch nhưng BTV có trách nhiệm với tác phẩm cần phải đọc kỹ và có thể phát hiện ra được những đoạn dịch không ổn. Trường hợp nghi ngờ về câu, từ nào đó chưa “chuẩn” có thể đối chiếu với nguyên tác hoặc “thắc mắc” ngay với người dịch… Tiếc rằng, không ít BTV, trình độ hạn chế nhưng lại còn lười đọc.

Mâu thuẫn còn nằm ở chỗ, những người giỏi ngoại ngữ và có trình độ dịch thuật chẳng dại gì về các NXB để tháng nhận mấy trăm ngàn lương còm. Thậm chí, ở một số NXB, người mà ngoại ngữ mới ở trình độ A, B, nhưng vì cùng ê-kíp với “sếp” nên cuốn nào “béo bở” liền được kéo vào làm, chẳng cần biết sách ra lò… dở đến mức nào!

Được biết, Trưởng phòng biên tập của một NXB tên tuổi ở Hà Nội còn chưa có bằng đại học, nhưng vì cùng “ê-kíp” với giám đốc nên được bổ nhiệm “chức” Trưởng phòng. Còn NXB VHTT, nơi in cuốn sách dịch Mật mã Da Vinci, những người liên quan đến vụ việc cuối năm vẫn được danh hiệu thi đua và người chịu trách nhiệm không bị một hình thức kỷ luật nào (!?).

dich thuat sai giet chet tac pham

Sách dịch vẫn ào ào ra mắt. Đáng buồn là những cuốn sách do NXB tổ chức dịch, chất lượng còn tệ hại hơn so sách liên kết xuất bản với các nhà sách tư nhân. Nhà sách còn phải giữ uy tín với NXB, còn NXB… dường như chẳng biết sợ mất uy tín với độc giả. Độc giả chỉ còn nước hãy tự bảo vệ mình. Trước khi bỏ tiền mua sách, xin hãy ngó nhìn tên NXB và tên người dịch, nhất là những cuốn sách văn học, để tránh rước bực mình vào thân!

Theo dịch giả Dương Tường, các NXB cần phải đào tạo đội ngũ BTV của các NXB có đủ trình độ để thẩm định các bản dịch. Có thể BTV không đạt trình độ ngoại ngữ như người dịch nhưng phải đọc kỹ và phát hiện ra được những đoạn dịch không ổn. Có thể chỉ là “ngờ ngợ” một từ hoặc một ý nào đó nhưng phải kiểm tra, đối chiếu ngay…

Nói chung, BTV phải vừa có trình độ và có lương tâm. Một số BTV bây giờ chỉ làm nhiệm vụ giao dịch là chính! NXB, BTV và người dịch phải yêu cuốn sách đó. Dịch sách và kinh doanh sách càng đòi hỏi phải có lương tâm và văn đức. Còn xé sách ra để dịch cho nhanh thì… Về phía độc giả, có lẽ ai tin tưởng dịch giả nào thì mua sách của người đó dịch.

Cùng với “Giải thưởng sách VN” vừa được tổ chức, trong khi chưa có những chế tài xử phạt các NXB làm ăn tắc trách, cũng nên trao giải cho cuốn sách dở nhất trong năm để ít ra thêm một lần “bêu danh” “những con sâu” trong ngành xuất bản! “Có lẽ độc giả tin tưởng dịch giả nào thì mua sách của dịch giả đó. Người đọc trước hết phải biết tự bảo vệ mình chứ tôi chẳng dám có lời khuyên”, dịch giả Dương Tường buồn rầu thốt lên như vậy!

                                                                                                                        Nguồn internet